Cha mẹ cho trẻ ăn chín, uống sôi, đứng cách xa người có triệu chứng bệnh khoảng 1 m, vệ sinh tay sạch sẽ khi đi du lịch dài ngày.
Nhiều phụ huynh thích đưa trẻ nhỏ du lịch xa để con được khám phá thế giới mới. ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý cha mẹ chăm sóc con vì bé có nguy cơ say tàu xe, tiêu chảy và mắc các bệnh nhiễm trùng do môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc người mang mầm bệnh.
Phòng tránh lây nhiễm nơi công cộng
Tiếp xúc nhiều người tại sân bay, tàu lửa, xe, thuyền du lịch trong thời gian dài khiến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao.
Để phòng bệnh, gia đình đeo khẩu trang, rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng. Ngoài ra, có thể sử dụng khăn tẩm cồn để làm sạch các bề mặt và đồ vật mà mọi người chạm vào nhiều như bàn ăn trên máy bay, ghế ngồi, bồn cầu.
Khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, điểm tham quan đông người, cần tránh xa ít nhất 1 m với người đang ho hoặc hắt hơi. Phụ huynh cũng dạy trẻ không sờ hoặc chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
Kiểm tra các tác nhân gây bệnh
Gia đình đưa trẻ du lịch khám phá thiên nhiên, vườn thú, khu động vật hoang dã, trải nghiệm lội sông suối, đầm lầy... có thể bị côn trùng, ký sinh trùng, bọ, ve bám vào cơ thể.
Cha mẹ cho con mặc trang phục phù hợp, kiểm tra kỹ quần áo, cơ thể trẻ, đảm bảo không có côn trùng lạ bám; tắm cho con bằng nước sạch sau khi tắm sông, biển, hồ.. Cha mẹ quan sát các điểm dễ bị côn trùng bám như nách, lỗ mũi, vành tai.
Trẻ đi du lịch thích khám phá khu động vật hoang dã, vườn thú. Ảnh: Tuệ Diễm
Trẻ đi du lịch thích khám phá khu động vật hoang dã, vườn thú. Ảnh: Tuệ Diễm
Sau chuyến đi đến vùng đất hoang dã, nên giặt quần áo kỹ, phơi quần áo trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng máy sấy nhiệt độ cao loại bỏ vi khuẩn.
Chọn thực phẩm an toàn
Thực phẩm mới hoặc chế biến không đúng cách, chưa nấu chín dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa yếu, dễ bị vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng tấn công.
Chọn thực phẩm nấu chín, có thể mang theo một số thực phẩm dự trữ trong chuyến đi, bổ sung dinh dưỡng cho bé. Trẻ cần đồ nóng chín như súp, cháo, phở và trái cây gọt vỏ.
Nguồn nước tại nhiều điểm du lịch có thể chưa được xử lý tốt, chứa vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, uống trực tiếp có thể đau bụng. Để đảm bảo, phụ huynh ưu tiên cho trẻ sử dụng nước đóng chai, nước đun sôi để nguội.
Trẻ nhỏ rối loạn tiêu hóa sau khi đi du lịch, ảnh minh họa: Tuệ Diễm
Trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hóa sau khi đi du lịch. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm
Tiêm vaccine
Trước khi đưa trẻ du lịch xa, phụ huynh nên cho trẻ tiêm đủ vaccine cần thiết. Hầu hết các loại vaccine cần có thời gian mới phát huy hiệu quả. Do đó, trẻ cần chủng ngừa trước khoảng một tháng khởi hành.
Cha mẹ nên chuẩn bị thêm các thuốc không kê đơn như thuốc trị tiêu chảy, dị ứng, giảm đau, hạ sốt và một túi sơ cứu y tế mang theo.