5 THÓI QUEN ĂN UỐNG LỊCH SỰ CHA MẸ CẦN DẠY CON

Để con có thói quen ăn uống lịch sự, cha mẹ nên dạy con những điều sau đây.

Trẻ con như tờ giấy trắng, mọi thói quen và tính cách của chúng đều do cha mẹ dạy. Phép lịch sự khi ăn uống cũng là một trong những điều quan trọng mà bố mẹ nên dạy cho con. Vì vậy muốn con có được thói quen ăn uống lịch sự, cha mẹ cần dạy trẻ những điều sau đây.

1. Mời mọi người trước khi ăn

Khi con biết nói và bắt đầu ngồi ăn cơm cùng với cả nhà, cha mẹ cần dạy trẻ phải mời mọi người trước khi ăn. Đây là phép lịch sự căn bản khi ăn. Trẻ cần học thói quen chờ đợi mọi người cùng cầm bát lên thì con mới ăn, không nên ăn trước và không mời ai. Ngoài ra, trẻ cần biết mời mọi người theo thứ tự độ tuổi: ông bà, bố mẹ, anh chị em… Nếu ăn với người ngoài thì con cần phải mời theo vai vế. Những điều này cha mẹ cần chỉ bảo và dạy trẻ. Lời mời trước khi ăn không chỉ là phép lịch sự, nó còn giúp con học được sự tôn trọng người lớn. Vì vậy cha mẹ nhất định phải dạy trẻ.

2. Tư thế ngồi ăn lịch sự

Trẻ con rất hiếu động, khi ăn con thường ngồi những tư thế cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên không phải tư thế nào cũng đúng, một số tư thế không chỉ có hại cho hệ tiêu hóa mà còn rất mất lịch sự: vừa ăn vừa ngả nghiêng, vừa quỳ vừa ăn, các chân lên bàn ăn, vừa ăn vừa nói, nghịch… Cha mẹ nên dạy con ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và thả lỏng trong khi ăn. Tư thế ngồi đúng giúp thức ăn được tiêu hóa một cách dễ dàng, phòng tránh được các căn bệnh về tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng...

3. Vị trí ngồi khi ăn

Người xưa thường có câu: "Ăn trông nồi ngồi trong hướng". Khi con ngồi ăn cha mẹ cần hướng dẫn trẻ vị trí ngồi của mình. Lúc còn bé con có thể được bố mẹ chiều chuộng, cho ngồi vào trong lòng hoặc cho ngồi những chỗ đặc biệt. Nhưng khi con có nhận thức hơn thì cha mẹ cần dạy trẻ ngồi ăn lịch sự. Khi ngồi ăn con cần để ý xem có ảnh hưởng đến người khác không, có đang ngồi nhầm chỗ hoặc vượt mặt ai không. Cha mẹ đừng nghĩ rằng trẻ con thì biết gì, nhưng chính những thói quen này sẽ rèn trẻ trở thành người lịch sự, văn minh.

4. Cách lấy thức ăn

Khi con còn nhỏ, cha mẹ thường ưu tiên cho trẻ ăn những miếng thức ăn ngon nhất trong mâm cơm. Và trẻ con thì thường có xu hướng chọn những món mình thích, và chỉ ăn miếng thức ăn đó. Thói quen này lâu dần có thể biến tướng thành tật xấu của trẻ. Con sẽ chỉ gắp những miếng ngon cho vào bát. Thậm chí có nhiều bé có thói quen xấu như là chọc gảy đĩa thức ăn để chọn miếng ngon. Ngoài ra còn có một số thói quen xấu khác, ví dụ đứng lên để với thức ăn ở đằng xa, dùng môi múc thức ăn chung để xúc đồ ăn…

Tất cả những thói quen xấu này cha mẹ cần chấn chỉnh lại ngay, cần dạy trẻ cách gắp thức ăn lịch sự, không chọc ngoáy, chọn đồ ăn. Nếu đĩa thức ăn ở xa tầm với của trẻ, con nên nhờ người lớn lấy hộ. Bởi rướn người lên có thể ảnh hưởng đến người ngồi bên cạnh, sẽ rất mất lịch sự. Không những vậy, việc cố rướn người lên để lấy thức ăn có thể khiến đồ ăn rơi ra xung quanh, gây mất vệ sinh.

5. Không chê đồ ăn

Cha mẹ cần dạy trẻ trân trọng đồ ăn người khác nấu cho mình. Hãy để con biết nấu một bữa ăn vất vả thế nào. Như thế con sẽ hiểu được việc chê đồ ăn trước mặt người nấu là thói quen mất lịch sự. Không những thế còn khiến người làm ra món ăn cảm thấy buồn. Lâu dần thói quen xấu sẽ làm trẻ không tôn trọng người khác. Lớn lên con sẽ tự cho mình quyền chê bai và coi nhẹ công sức lao động của người khác. Điều này không tốt chút nào cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Top