Tự tin là một trong những cá tính quan trọng mà cha mẹ cần từng bước xây dựng cho con ngày từ khi chúng còn nhỏ tuổi. Bé tự tin sẽ có khả năng sống độc lập, hòa nhập xã hội tốt và dễ thành công hơn trong cuộc sống sau này.
Dưới đây là 6 hành động kích thích sự tự tin ở trẻ, cha mẹ nên tham khảo:
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các phụ huynh thường mắc phải khi nuôi dạy con, đó là không nhận ra được sự khác biệt giữa hỗ trợ con cái và giải cứu trẻ. Khi con bị bắt nạt, bị bạo hành, cha mẹ cần giải cứu trẻ. Bởi chúng có thể gặp nguy hiểm đến bản thân và tính mạng nếu như không có sự giúp đỡ của chúng ta.
Tuy nhiên khi con muốn thực hiện 1 trò chơi hoặc 1 bài tập nào đó rất khó. Con loay hoay không làm được. Lúc này việc của cha mẹ là hỗ trợ bé tìm ra đáp án chứ không phải giải cứu con khỏi câu hỏi khó đó. Khi phụ huynh biết cách hỗ trợ con, nghĩa là chúng ta đang khuyến khích khả năng giải quyết vấn đề, quá trình tư duy phản biện và khả năng chịu đựng thất vọng của trẻ. Quá trình này thực sự cần thiết để trẻ em và thanh thiếu niên phát triển sự tự tin, bản lĩnh, tư duy của con. Nó sẽ mất đi khi chúng được cha mẹ giải cứu, làm hộ.
Cha mẹ nên yêu thương con vô điều kiện bất kể giới tính và đừng giới hạn trẻ dù chúng là con trai hay con gái.
Người lớn chúng ta dù hàng ngày đều nói về bình đẳng giới, ấy thế nhưng khi dạy con lại yêu cầu con trai phải thế này, con gái phải thế kia.
Mỗi đứa trẻ dù là nam, nữ hay giới tính khác đều cần được rèn luyện một tâm hồn mạnh mẽ, kiên định với hạnh phúc của mình, thay vì kìm nén cảm xúc bên trong. Chúng có thể làm mọi điều mình thích mà không có định kiến về giới tính. Con trai có thể học nấu ăn, chơi đàn,... con gái cũng có thể đá bóng, làm kĩ sư... Đặc biệt con trai cũng có thể bật khóc. Nhiều cha mẹ muốn rèn luyện con trai mạnh mẽ thường cấm chúng khóc. Điều đó khiến con kìm nén tâm trạng, cảm xúc trong lòng. Như vậy rất nguy hiểm. Bởi khi giới hạn chịu đựng cảm xúc tiêu cực lên đến đỉnh điểm thì chúng ta không thể lường trước được những hậu quả.
Cha mẹ thường đáp ứng yêu cầu của trẻ 1 cách vô điều kiện và nhanh chóng. Không những thế còn cung cấp cho chúng vật chất 1 cách dư thừa. Điều này khiến trẻ dễ dàng thất vọng và thậm chí lo lắng khi được yêu cầu phải chờ đợi. Trẻ không có đủ kiên nhẫn khi xem xét một vấn đề mà không có cách giải quyết ngay lập tức.
Cha mẹ hãy trang bị kiến thức đầy đủ cho trẻ giúp con không nản trí. Hãy chuẩn bị cho trẻ tâm thế: Làm được điều mình muốn sẽ không dễ dàng. Phụ huynh hãy giúp con hiểu rằng có thể việc đó không thành công ngay lần đầu nhưng sẽ có cách giúp con hạn chế thất bại. Điều quan trọng là con tự tin bước tiếp, thay vì chạy về cầu cứu bố mẹ.
Cha mẹ thương yêu con cái nên lúc nào cũng lo nghĩ và làm việc cho chúng. Thậm chí có người đã già những vẫn ngày đêm lo từng đường đi nước bước của con.
Hãy để con là người quyết định vấn đề của mình. Hãy kiềm chế bản năng bảo vệ con để trẻ được tự do làm điều mình thích, tự do khám phá thế giới quan xung quanh. Điều này không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc trẻ, mà hãy kiên nhẫn quan sát, mỉm cười động viên và sẵn sàng hỗ trợ khi con cần. Cha mẹ cũng nên lưu ý thực tế trong lời khen ngợi của mình dành cho con. Nếu trẻ thất bại trong một nỗ lực nào đó, hãy động viên sự nỗ lực đó của trẻ chứ không phải là chỉ ca ngợi kết quả đạt được.
Khi giao cho trẻ 1 thử thách, cha mẹ hãy kèm lời động viên và sự tin tưởng đối với con. Có khi chỉ cần 1 câu nói rất bình thường của cha mẹ thôi, ví dụ như "mẹ tin con làm được", "con giỏi hơn mẹ nghĩ đó"... trẻ sẽ tràn đầy năng lượng, tự tin để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên trao niềm tin ở trẻ khác với sự kỳ vọng thái quá làm con cảm thấy áp lực, lo âu.
Việc giao tiếp với các mối quan hệ cũng là chìa khóa để xây dựng sự tự tin của trẻ. Con sẽ mở rộng cách nhìn đối với con người, mở rộng thế giới quan, tạo nên tư duy rộng mở sau này. Mặt khác con cũng sẽ tự tin hơn, hướng ngoại hơn so với việc trẻ chỉ ở trong nhà. Mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất chính là lòng yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Sau đó đến người thân trong nhà, bạn bè và những mối quan hệ khác... Là cha mẹ, bạn không nên xử lý mọi tình huống cho con, mà hãy dạy con sự sẻ chia, lòng tốt bụng và sự tự tin để ứng xử với những thăng trầm trong các mối quan hệ.