Bệnh thường gặp ở trẻ khi trời lạnh

Không khí lạnh, khô làm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng đường hô hấp tấn công và gây bệnh cho trẻ.

Trẻ dễ mắc bệnh khi nhiệt độ xuống thấp thường do nhạy cảm với thời tiết lạnh và hệ thống miễn dịch suy yếu.

Viêm tiểu phế quản

Tình trạng này liên quan đến viêm ở phổi, gây tích tụ chất nhầy và suy hô hấp. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sốt nhẹ, nghẹt, sổ mũi và thở nhanh. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới hai tuổi, thường tự khỏi.

Với trường hợp nhẹ, phụ huynh có thể dùng thuốc nhỏ mũi, máy tạo độ ẩm để bớt nghẹt mũi, uống siro giảm ho... Trường hợp nặng cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.

Cảm lạnh thông thường

Bệnh này thường do virus gây ra, với các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau họng, sổ mũi. Trẻ nhỏ thường bị cảm lạnh trong hai năm đầu đời. Lúc này hệ miễn dịch của bé đang được củng cố để chống lại nhiều loại virus khác nhau.

Trẻ mắc bệnh cảm lạnh nhiều lần có thể do hệ miễn dịch yếu, giảm khả năng chống lại các tác nhân gây hại. Cảm lạnh thường kéo dài một tuần nhưng cũng có thể lên đến hai tuần.

Không khí lạnh, khô dễ kích ứng đường hô hấp, suy giảm miễn dịch khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm họng, cúm, cảm lạnh... Ảnh: Freepik
Không khí lạnh, khô dễ kích ứng đường hô hấp, suy giảm miễn dịch. Ảnh: Freepik

Viêm họng liên cầu khuẩn

Bệnh do vi khuẩn gây ra và thường gặp ở trẻ em 5-15 tuổi. Triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, khó nuốt, ho, chảy nước mũi và đau đầu. Viêm họng liên cầu khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Viêm dạ dày, ruột

Viêm dạ dày, ruột là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, gây nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy và đau nhức cơ thể. Cha mẹ cần bổ sung nhiều nước cho con để tránh mất nước bằng dung dịch bù nước đường uống.

Trẻ nên bú mẹ trong 6 tháng đầu, rửa tay đúng cách, ăn uống lành mạnh để phòng ngừa viêm dạ dày, ruột. Tránh cho trẻ uống nước ép trái cây và đồ uống có ga vì chúng khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.

Một số lưu ý

Cha mẹ không nên dùng thuốc giảm ho cho trẻ dưới 4 tuổi. Thuốc trị nghẹt mũi có thể làm giảm dịch tiết mũi trong 2-3 ngày.

Để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh vào mùa đông, cha mẹ nên lưu ý con rửa tay, vận động thường xuyên, chế độ ăn lành mạnh và uống nhiều nước. Mặc quần áo ấm, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế cho bé ra ngoài, đi học khi ốm. Phụ huynh cần khuyến khích con dùng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, tránh chạm tay vào mắt miệng và tiêm vaccine cúm hàng năm.

Trong những ngày trời lạnh, người lớn nên cho bé mặc ấm, che kín đầu, cổ, chân và tay khi ra ngoài. Chọn chất liệu vải cách nhiệt, thoáng khí để giữ ấm mà không gây nóng nực. Quần áo cần vừa vặn, đủ ấm và cho phép di trẻ chuyển dễ dàng.

Nếu trẻ có triệu chứng nặng, uống thuốc không bớt cần đến bác sĩ khám sớm. Điều trị chậm trễ có thể tăng nguy cơ biến chứng như viêm phổi, áp xe phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết.

Top