Cách nào tăng chiều cao cho trẻ?

Trẻ có thể được khám chẩn đoán nguyên nhân chậm tăng chiều cao, từ đó khắc phục bằng cách bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục hoặc điều trị bằng thuốc.

Bác sĩ CKI Lê Kim Huệ, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề chiều cao của trẻ. Việc ứng dụng y học đúng lúc, đúng mức có thể giúp trẻ tăng chiều cao, tự tin hơn trong cuộc sống.

- Thực trạng chiều cao, dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay như thế nào?

Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi.

Lý do là trẻ em Việt Nam đã được cải thiện dinh dưỡng nhưng chưa đồng đều. Tại các thành phố lớn, tình trạng dinh dưỡng của trẻ nghiêng về thừa cân, béo phì. Trong khi đó, nhiều xã nghèo, vùng dân tộc thiểu số vẫn thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu thông tin và thiếu kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ... khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng cao.

20231206_PcTaVFpw.jpeg

Trẻ có thể tăng chiều cao nhờ điều trị y khoa hoặc dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục đều đặn. Ảnh: Freepik

- Ngoài ra, có nguyên nhân nào khác khiến trẻ chậm hoặc không cao lên?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ, trong đó một số nguyên nhân dưới đây thường gặp hơn:

Thiếu nội tiết tố tăng trưởng, còn gọi là hormone tăng trưởng (GH): Cơ thể trẻ có vấn đề về sản xuất hoặc phóng thích không đủ nội tiết tố tăng trưởng, dẫn tới thiếu hụt, ảnh hưởng chiều cao.

Suy tuyến giáp: Nội tiết tố tuyến giáp tác động trực tiếp sự tăng trưởng và chuyển hóa. Khi cơ thể tiết không đủ lượng nội tiết tố tuyến giáp cần thiết, cũng khiến trẻ chậm tăng chiều cao.

Tiền sử gia đình: Bố mẹ có chiều cao đều dưới trung bình thì con cũng sẽ khó có chiều cao vượt trội.

Suy dinh dưỡng bào thai: Trẻ sinh ra nhẹ cân dưới 2,5 kg có thể bị ảnh hưởng chiều cao trong tương lai.

Hội chứng Turner: Trẻ mắc hội chứng này bị mất một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể giới tính X trong bộ gen.

Ngoài ra, trẻ bị còi xương, thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, sắt, iốt hoặc có bệnh mạn tính như bệnh tim, thận, mắc hội chứng Down... cũng bị ảnh hưởng chiều cao.

- Cách nào để gia đình phát triển chiều cao tự nhiên cho con?

Gia đình nên chú ý em bé ngay từ khi còn ở giai đoạn bào thai, khi 0-3 tuổi và dậy thì. Phụ huynh theo dõi các chỉ số cơ thể của con theo khuyến cáo, từ đó cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để phát hiện vấn đề và can thiệp càng sớm càng tốt.

Nếu trẻ không gặp vấn đề sức khỏe, cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Lối sống ít vận động sẽ ức chế sự phát triển của sụn xương, cơ, xương, từ đó sẽ giảm sự phát triển chiều cao. Ngoài ra, thể thao cũng giúp khỏe mạnh và phát triển thể chất toàn diện.

Gia đình cần lưu ý cho trẻ dùng chế độ dinh dưỡng cân bằng và cân đối theo mô hình tháp dinh dưỡng Việt Nam. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất, có thể ảnh hưởng đến 32% sự phát triển chiều cao của trẻ.

- Bác sĩ nhắc tới nguyên nhân trẻ chậm tăng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, vậy vấn đề này khắc phục thế nào?

Những trẻ thấp còi, nghi ngờ do thiếu hụt hormone tăng trưởng cần được khám, chẩn đoán kịp thời. Trẻ có thể được điều trị bằng cách sử dụng hormone tăng trưởng, phương pháp này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển.

Cụ thể, gia đình nên cho con khám và điều trị trước tuổi dậy thì (4-13 tuổi) do thuốc không còn tác dụng hoặc ít hiệu quả ở các giai đoạn sau. Trẻ sẽ được tiêm hormone trước khi đi ngủ từ 21-22 giờ, với liều lượng cụ thể được bác sĩ tính toán trong phác đồ. Nếu đáp ứng điều trị, chiều cao của trẻ có thể tăng 8-12 cm mỗi năm.

Tuy nhiên, phương pháp sử dụng hormone tăng trưởng phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định phù hợp với thể trạng của từng trẻ. Các loại thiết bị tiêm, dung dịch tiêm chứa hormone tăng trưởng cũng cần chuyên gia theo dõi chặt chẽ để đảm bảo đúng liều lượng tiêm, tránh các tác dụng phụ.

Top