Trên thực tế, không có ai thích nghe lời phàn nàn từ người khác, đặc biệt là những người thân thiết nhất của mình. Thế nhưng, nếu không dạy dỗ con từ nhỏ, thì trẻ rất dễ mắc phải sai lầm sau này. Vậy nên, trong tình huống con làm sai, cha mẹ cần đưa ra lời phê bình và giảng giải cho bé hiểu. Dù vậy, không phải bậc phụ huynh nào cũng biết phê bình đúng cách. Dưới đây là một số gợi ý cha mẹ có thể làm theo.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng khi trách mắng hay phê bình con, thái độ cần nghiêm túc, đúng mực và không nên nổi giận hoặc cợt nhả. Điều cần quan tâm là thời điểm, phương pháp và thái độ của bạn khi phê bình bé.
Khi bé làm việc gì sai, bạn có thể để con ngồi xuống rồi bình tĩnh trò chuyện với bé. Việc trò chuyện này không chỉ dùng ngôn từ mà còn thông qua sắc mặt, ngữ điệu, ánh mắt... để bé cảm nhận được thái độ nghiêm túc của bạn, từ đó hiểu được mức độ sai của mình.
Nên nhớ rằng, bạn cần tập trung vào cách hành động của con tác động tới người khác như thế nào, đồng thời nhắc nhỏ con rằng con không phải người xấu. Điều này khuyến khích con suy nghĩ kĩ hơn về hậu quả hành vi trong tương lai.
Một trong những quy tắc quan trọng nhất của việc nuôi dạy trẻ là: phạt - tha thứ - lãng quên. Một đứa trẻ liên tục bị trừng phạt vì những sai lầm trong quá khứ sẽ không thể là một người mạnh mẽ. Chúng sẽ sợ khi làm điều gì mới và chỉ thích ổn định. Chúng cũng khó học hỏi được từ những sai lầm trong quá khứ. Thay vì phân tích những sai lầm, chúng lại suy nghĩ quá nhiều về sai lầm đó.
Việc liên tục nhắc lại lỗi lầm của con khiến chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân. Thay vào đó, bạn có thể giúp con đưa ra một kế hoạch để giúp con có thể làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn. Hỏi con những câu hỏi, chẳng hạn như "Mẹ có thể làm gì để giúp con cảm thấy tốt hơn?" để giúp con quen với việc suy nghĩ về cách sửa chữa những sai lầm của mình.
Khi trẻ mắc sai lầm, đừng chỉ nhắc nhở mà hãy đưa ra cách giải quyết cho tình huống đó. Trẻ nhỏ chưa thể nhận ra được mức độ của hành vi sai lầm nếu như bạn không cho con một lý do chính đáng, cũng như đưa ra gợi ý để giải quyết vấn đề.
Điều này sẽ vô cùng hữu ích để con có thể đối phó với những tình huống tương tự lặp lại với con trong cuộc sống. Sau khi vấn đề đã được giải quyết, đừng quên khen ngợi con, để con hiểu rằng con đã thành công trong việc giải quyết một vấn đề nào đó.
Việc dành cho con sự chú ý và thể hiện rằng bạn quan tâm tới con là điều vô cùng quan trọng. Hãy lắng nghe con giải thích về mọi chuyện xảy ra, đừng tự đưa ra nhận định và mắng con ngay lập tức. Đây cũng có thể là một cách tốt để thảo luận về cảm xúc và hành động của con trong nhiều trường hợp.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên trách mắng trẻ bằng những câu nói như "Con đúng là một đứa trẻ ngỗ nghịch" hoặc "Con là một đứa lười biếng" có thể khiến con thay đổi cách nhìn nhận về bản thân. Điều này khiến những đứa trẻ nghĩ rằng chúng là người xấu, trong khi chúng chỉ đơn giản là có hành vi sai mà thôi. Thay vì "dán nhãn" con như vậy, hãy đảm bảo rằng bạn tách biệt hành vi của con với con người của con. Hãy nhắc nhở con rằng con là một đứa trẻ ngoan nhưng ở đây lại có lựa chọn sai lầm.
Trẻ cũng có lòng tự trọng, đặc biệt là trước mặt bạn bè, anh chị em và những người khác. Nếu bạn quát mắng con dưới cái nhìn tò mò của mọi người xung quanh sẽ khiến cho trẻ cảm thấy xấu hổ. Tốt nhất, khi ở nơi công cộng, đừng dạy dỗ trẻ mà hãy nhắc nhở nhẹ nhàng bằng hành động hoặc lời nhắc nhở.
Trong mọi tình huống, hãy cố gắng kiềm chế và kỉ luật con khi ở nhà. Việc đánh mắng con ở nơi công cộng có thể khiến con cảm thấy xấu hổ, dẫn tới sự lúng túng khi giao tiếp xã hội khi chúng lớn lên, nguy hiểm hơn, trẻ còn có thể oán giận bố mẹ vì hành động này.
Nếu trong một khoảng thời gian, con không lặp lại lỗi và có sự tiến bộ, hãy ghi nhận bằng cách khen thưởng con. Được bố mẹ khích lệ và công nhận sẽ khiến trẻ hào hứng, vui vẻ và không muốn lặp lại lỗi lầm nữa.
Nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của bé mà bỏ qua ưu điểm và những việc tốt bé làm được thì đó hoàn toàn không phải cách giáo dục tốt. Cách tốt nhất là mắng con đúng lúc, khen đúng mực thì hiệu quả trong lời nói của bạn sẽ được bé hưởng ứng tốt hơn, biết nghe lời cha mẹ hơn.