Những lưu ý khi cho trẻ chơi thể thao

Trẻ em nên chơi đa dạng các môn thể thao, dành tối thiểu hai ngày nghỉ trong một tuần để tránh nguy cơ chấn thương.

Chơi thể thao có thể giúp cho trẻ xây dựng kỹ năng, tăng sự tự tin, hòa đồng, tăng cường phát triển trí não và cải thiện sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, nhiều gia đình cho con tham gia các lớp kỹ năng, vận động dày đặc, khiến trẻ không được nghỉ ngơi, dẫn đến căng thẳng tâm lý, mệt mỏi thể chất, tăng chấn thương thể thao. Theo Hiệp hội Huấn luyện viên Thể thao Quốc gia Mỹ, trẻ cần tránh những điều dưới đây khi chơi thể thao.

Chỉ chơi một môn thể thao duy nhất: Các bài tập, môn thể thao khác nhau giúp trẻ nâng cao thể lực chung, giảm nguy cơ chấn thương. Nếu tập luyện chỉ một môn, trẻ có thể nhàm chán, căng thẳng... Trẻ có thể tham gia một hoạt động hoặc lớp học thể thao được tổ chức khi nghỉ hè hoặc trong suốt cả năm. Việc này giúp giảm chấn thương thể chất, đau cơ hoặc bệnh khớp mạn tính.

Kéo dài quá 8 tháng: Trẻ không nên chỉ chơi một môn thể thao và kéo dài quá 8 tháng. Đây cũng là cách giảm nguy cơ chấn thương và giúp trẻ không bị nhàm chán.

Không nghỉ ngơi: Trẻ nên có tối thiểu hai ngày nghỉ một tuần để phục hồi cơ thể. Số giờ tập một tuần phải tương đương số tuổi của trẻ, ví dụ trẻ 10 tuổi thì không tham gia các môn thể thao quá 10 tiếng một tuần. Nếu trẻ tham gia thi đấu cho câu lạc bộ thì cần được nghỉ ngơi dài hơn để phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm nguy cơ chấn thương, kiệt sức.

Trẻ em nên chơi thể thao với cường độ vừa phải và nghỉ ngơi tối thiểu 2 ngày một tuần. Ảnh: Pixabay

Trẻ em nên chơi thể thao với cường độ vừa phải và nghỉ ngơi tối thiểu hai ngày một tuần. Ảnh: Pixabay

Nếu trẻ bị xáo trộn giấc ngủ, miễn cưỡng tham gia một hoạt động thể thao từng yêu thích, trẻ có thể đã bị kiệt sức, cần được điều trị y tế.

Thời gian phục hồi rất quan trọng, song gia đình không nên cho con nghỉ ngơi bằng cách cho ngồi trên ghế chơi điện tử. Thay vào đó, gia đình nên cho trẻ tham gia vào hoạt động khác, ví dụ đi bơi thư giãn.

Trong thời gian hồi phục, gia đình cũng nên chú ý cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, đảm bảo ngủ đầy đủ. Việc này giúp trẻ giảm chấn thương, phát triển cơ và xương khỏe mạnh.

Trẻ em không nên tập chạy đường dài và tập tạ nặng do bộ xương chưa hoàn thiện. Lý do là bộ xương có khoảng rỗng để phát triển cho đến khi đủ 18 tuổi; chạy và tập thể dục tác động mạnh có thể gây ảnh hưởng tới xương.

Top