Để xây dựng và áp dụng bữa ăn học đường thật khoa học cho trẻ, cả nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp, tránh tình trạng thừa/thiếu dinh dưỡng.
Dinh dưỡng học đường giúp cung cấp năng lượng, vi chất thiết yếu, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể chất trí tuệ của trẻ. Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường cho trẻ, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi cùng TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia.
- Chế độ dinh dưỡng cho học sinh theo từng độ tuổi đóng vai trò quyết định đến sự phát triển toàn diện, cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái giúp trẻ học tập tiếp thu tốt. Vậy ở giai đoạn này cần phải bổ sung gì đặc biệt không thưa bà?
TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia.
TS.BS Phan Bích Nga: Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng mỗi ngày. Đây là nguồn nhiệt lượng để cho sự hoạt động và học tập của trẻ. Tùy từng lứa tuổi mà trẻ có các nhu cầu khác nhau.
Ví dụ, trẻ 6 tuổi nhu cầu năng lượng là 1470 Kcal/ngày; trẻ từ 7 - 9 tuổi cần 1.825 Kcal/ngày; trẻ 10 - 12 tuổi, nam: 2.110 Kcal/ngày, nữ: 2.010 Kcal.ngày.
Với trẻ lứa tuổi học đường nên tăng cường bổ sung: Các nguồn chất đạm động vật có nhiều Canxi, Sắt, Kẽm (thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa...); thực phẩm có nhiều Vitamin, khoáng chất có trong rau xanh, các loại rau lá xanh thẫm có nhiều Vitamin C (rau ngót, mùng tơi, rau dền..); hoa quả chín, các quả có màu vàng như Đu đủ, Xoài, Hồng xiêm có nhiều Beta Caroten (tiền vitamin A).
Với Sữa và các chế phẩm từ sữa:
Trẻ 6 - 7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị sữa và chế phẩm sữa.
Trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa.
Trẻ 10 - 19 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa.
(1 đơn vị sữa = 1 miếng phô mai = 1 hũ sữa chua = 100ml sữa nước).
Bữa ăn cần đảm bảo cân đối các chất về dinh dưỡng, phối hợp cả chất đạm động vật (thịt, cá, trứng...) và đạm nguồn thực vật (đậu đỗ); chất béo nguồn động vật (mỡ, bơ) và chất béo nguồn thực vật (vừng, lạc...). Tỷ lệ các thành phần sinh nhiệt nên là: Đạm: Béo: Đường bột = 15 : 20 : 65.
- Theo bà, chế độ dinh dưỡng lý tưởng đối với lứa tuổi học đường cần những gì? Khẩu phần ăn như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ?
TS.BS Phan Bích Nga : Chúng ta cần đảm bảo sự phân bố hợp lý giữa các bữa ăn ở nhà và ở trường. Năng lượng của bữa trưa ở trường nên chiếm 30 - 40% tổng nhu cầu năng lượng cả ngày của trẻ. Bữa ăn phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho từng nhóm đối tượng học sinh, bao gồm: Trẻ bình thường, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân – béo phì.
Năng lượng cung cấp cho các em phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là 3 thành phần quan trọng: Đạm (protein), Đường bột (glucid), Béo (lipid). Đánh giá chỉ số khối cơ thể BMI để biết tình trạng dinh dưỡng và điều chỉnh khẩu phần hợp lý.
Trẻ cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm: Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc và phối hợp nhiều loại thực phẩm (10 - 15 loại thực phẩm). 8 nhóm thực phẩm bao gồm nhóm lương thực (gạo ngô khoai sắn), nhóm hạt các loại nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm củ quả màu vàng da cam, nhóm củ quả khác, nhóm dầu ăn/mỡ.
Ăn phối hợp nguồn đạm thực vật và động vật, chất béo động vật và thực vật. Đối với nhóm từ dưới 10 tuổi, tỷ lệ protein động vật so với protein tổng số >50%, trẻ cần ăn nhiều protein từ nguồn động vật hơn protein từ các nguồn khác.
Đối với nhóm từ 11 tuổi trở lên, tỷ lệ protein động vật so với protein tổng số >35%· Không nên ăn mặn, luôn sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn; trẻ nên sử dụng dưới 5g muối/ ngày.
Hạn chế tiêu thụ đường tinh chế: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần giảm tiêu thụ đường đôi, đường đơn trong khẩu phần; giảm lượng đường tiêu thụ dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể.
Ta nên sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương. Ưu tiên các nguồn thực phẩm sạch, an toàn có nguồn gốc rõ ràng để chế biến thức ăn. Uống đủ nước hàng ngày: Trẻ 6 - 11 tuổi cần trung bình 1,3 - 1,5 lít nước; ưu tiên nước lọc, nước trái cây, sữa không bổ sung thêm đường, nước rau, nước canh.
Trẻ tại Trường Mầm non Thanh Mỹ - Sơn Tây, Hà Nội trong giờ ăn trưa trên lớp. Ảnh:Đình Tuệ.
- Hiện nay, thức ăn nhanh đang xâm nhập và dần trở nên thân quen với người Việt Nam. Những bữa ăn với gà rán, khoai tây chiên, hamburger, mỳ ăn liền… đã dần thay thế bữa chính của giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường. Khi đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ ăn như thế nào cho đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe?
TS.BS Phan Bích Nga: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Theo đó, việc cho rằng mì ăn liền là nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ là chưa thật sự chính xác. Một gói mì ăn liền loại thông dụng 75g chứa 40g - 50g chất bột đường; 10g - 13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300 - 350 Kcal.
Trong khi đó, đối với trẻ em nhu cầu khoảng 1.320 đến 2.800 Kcal mỗi ngày. Nếu chia thành 3 bữa ăn, trung bình trẻ sẽ cần khoảng 400 - 600 Kcal/bữa. Như vậy, rõ ràng một gói mì ăn liền cung cấp 350 Kcal thấp hơn so với nhu cầu cơ thể cần, không thể là nguyên nhân tăng cân được. Việc tăng cân phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ đã cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, giữa năng lượng nạp vào và sử dụng hay chưa, chứ không phải đến từ một loại thực phẩm cụ thể nào đó chẳng hạn như mì ăn liền.
Do đó, cha mẹ cần giáo dục về dinh dưỡng cho trẻ để bản thân các em có thể lựa chọn được một bữa ăn dinh dưỡng cho mình. Khuyến khích, hướng dẫn cho trẻ lựa chọn khẩu phần ăn lành mạnh hơn.
Trẻ nhỏ thường không đủ kiến thức để phân biệt những thực phẩm nào tốt, thực phẩm nào không lành mạnh mà chỉ ăn theo sở thích. Vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ không nên uống các loại đồ uống nghèo năng lượng, nhiều calo rỗng (nước ngọt, nước siro trái cây…). Nếu trẻ thích nước ép, hãy dùng nước ép trái cây nguyên chất thay vì nước ép trái cây đóng sẵn.
Khuyến khích ăn hoa quả và rau xanh: Hoa quả và rau xanh rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Vì vậy nên bổ sung thêm các loại rau quả vào khẩu phần ăn cho trẻ, đồng thời hạn chế bớt lượng tinh bột.
Các loại thức ăn chiên rán bán ở ngoài lề đường luôn là thứ thu hút trẻ em sử dụng.
- Tình trạng học sinh vào học sớm và không thích ăn cơm nhà mỗi sáng khiến nhiều bậc phụ huynh đã sử dụng thức ăn nhanh tại các vỉa hè, lề đường nhằm đáp ứng được nhu cầu của các con và tiết kiệm thời gian để kịp giờ đi học, đi làm. Bà sẽ có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và an toàn cho cơ thể của trẻ?
TS.BS Phan Bích Nga: Bữa sáng của trẻ rất quan trọng. Chất lượng thức ăn mà trẻ nạp vào buổi sáng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và việc học tập của trẻ trong cả ngày. Để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, hãy đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm sau:
Protein (thịt lợn, bò, gia cầm, cá, trứng, sữa chua, phomai, các loại hạt…). Việc được cung cấp đầy đủ chất đạm giúp các em no lâu hơn, có đủ năng lượng để trẻ học tập cho đến bữa trưa.
Chất xơ: Trẻ em cần từ 20 – 30g chất xơ mỗi ngày. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng bổ sung ít nhất 5 gam chất xơ vào bữa sáng cho trẻ. Bổ sung chất xơ cho trẻ thông qua rau, trái cây, sinh tố, ngũ cốc nguyên hạt (bánh mì nguyên cám, bột yến mạch…).
Tinh bột (cơm, cháo, phở, bánh mỳ, bánh bao, yến mạch, ngũ cốc…); Sữa và các sản phẩm từ sữa.
Cha mẹ nên sắp xếp thời gian để chuẩn bị bữa sáng tại nhà cho trẻ, để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp nếu cha mẹ không có thời gian nấu nướng cho con có thể mua đồ ăn ở ngoài, nhưng cần lựa chọn thực phẩm phù hợp, an toàn, lành mạnh từ các cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đặc biệt là thức ăn nhanh tại các cổng trường học. Nhà trường cần thay đổi gì trong các bữa ăn tại trường học để trẻ không tìm đến các sản phẩm ăn nhanh khi tan học?
TS.BS Phan Bích Nga: Nhà trường nên đa dạng thực đơn theo tuần, tháng để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, vitamin khoáng chất cho trẻ. Bổ sung bữa phụ hợp lý, phù hợp khẩu vị của trẻ, giám sát trẻ không bỏ ăn bữa phụ. Khi trẻ cung cấp đủ chất dinh dưỡng trẻ sẽ không bị đói, thèm ăn hạn chế việc ra ngoài cổng trường mua đồ ăn. Nhà trường cũng cần nghiên cứu, xây dựng thực đơn dựa trên các món ăn mà trẻ lứa tuổi học đường yêu thích để tạo hứng thú cho trẻ với bữa ăn bán trú và hạn chế ăn vặt ngoài cổng trường.
Xin trân trọng cảm ơn bà!