Nuôi dạy con từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành là một trong những nhiệm vụ vất vả và khó khăn nhất của mỗi người làm cha làm mẹ. Có rất nhiều lúc, trẻ thường làm bố mẹ bực mình, bất lực vì sự nghịch ngợm hay không nghe lời. Tuy nhiên, cha mẹ hãy luôn giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước khi trách mắng con. Danh sách 7 hành động của cha mẹ cần tránh sau đây là những việc mà cha mẹ không nên nói hoặc thể hiện với trẻ những lúc không hài lòng về con, bởi những việc làm ấy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, tính cách của bé sau này. Và thay vì cáu gắt, quát tháo cha mẹ nên bình tĩnh lại để trò chuyện và giải quyết vấn đề của con.
1. Tỏ thái độ tức giận khi trẻ phạm sai lầm hoặc gặp thất bại
Khi cha mẹ phản ứng thái quá với những sai lầm của trẻ như là cáu giận, la hét sẽ tạo cho trẻ cảm giác sợ hãi và tự ti, trẻ không muốn hoặc ngại phải thử những điều mới trong tương lai sau này vì lo lắng cha mẹ sẽ cáu giận.
Cha mẹ hãy khéo léo dùng chính sai lầm đó như là một công cụ học tập để giúp con tự tin xử lý và kiểm soát những sai lầm trong tương lai. Nếu con không có được sự tự tin, tự trọng sẽ dễ dàng tìm cách bỏ cuộc thay vì tiếp tục cố gắng.
Mắng chửi con sẽ tạo nên hành vi tiêu cực đối với trẻ. (Ảnh minh họa).
2. So sánh con với các bạn hoặc anh chị em khác
Có lẽ đây là điều mà nhiều cha mẹ Việt mắc phải. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó những câu như: “Con nhìn xem anh con đá bóng giỏi chưa!”, “Chị con đạt điểm cao nhất lớp đấy”. Những câu nói này đã vô tình làm trẻ tổn thương, khiến trẻ tự ti, cảm thấy mình kém hơn những người bạn cùng tuổi hoặc anh chị của bé. Đồng thời ý thức cá nhân, sự tự tin vào chính bản thân trẻ cũng bị suy giảm.
3. Đánh giá năng lực của con dựa trên điểm số
Việc quá coi trọng điểm số chỉ khiến trẻ càng muốn chui vào “vỏ ốc” của chính mình. Đối với những đứa trẻ không có điểm số nổi trội ở trường lớp, nếu cha mẹ đặt nặng vấn đề điểm số sẽ chỉ làm cho trẻ cảm thấy không thể hy vọng thêm bởi vì cho dù thế nào thì trẻ nghĩ mình sẽ không thể thành công và trở nên giỏi hơn được nữa.
Việc quá coi trọng điểm số chỉ khiến trẻ càng muốn chui vào "vỏ ốc" của chính mình (Ảnh minh họa)
4. Coi nhẹ sự cố gắng của con
Khi trẻ đang phải cố gắng vật lộn để tiếp thu cái mới như đọc sách, học chữ hay tập làm các phép tính toán cơ bản, cha mẹ thường trấn an con bằng cách nói: "Con đừng lo, dễ thôi mà". Tuy nhiên cách nói này đôi khi làm trẻ có suy nghĩ và lo lắng vì sao trẻ lại không thể làm được điều đó trong khi nó lại dễ dàng như vậy.
Cách tốt hơn là cha mẹ hãy đồng cảm và động viên con: "Con đọc những chữ này là khó, nhưng mẹ biết là con sẽ làm được."
5. Người lớn tự nhận xét ngoại hình trước mặt con
Các bà mẹ thường vô tình đứng trước gương và đưa ra bình luận về ngoại hình của mình như da đang sạm đi, cơ thể hơi béo cần giảm cân… Khi chứng kiến những điều này, trẻ sẽ bắt đầu xác định giá trị bản thân và cũng đánh giá về mặt ngoại hình và dễ rơi vào trạng thái mất tự tin.
Thay vào đó, cha mẹ hãy dạy con cách nhìn ra những điểm mạnh của bản thân, những điểm quan trọng cần chú ý đến và tự tin vào chính mình.
Cha mẹ hãy dạy con cách nhìn ra những điểm mạnh của bản thân (Ảnh minh họa).
6. Thường xuyên khen con giỏi
Có lẽ đây là việc làm gây ra sự tự ti cho trẻ nhiều nhất và nhiều bậc cha mẹ còn thắc mắc không hiểu tại sao khen con giỏi lại làm hại con đến vậy. Đó là bởi vì khi người lớn lạm dụng lời khen ngay cả khi trẻ làm những việc nhỏ nhất sẽ khiến trẻ nghĩ rằng lời khen quá dễ dàng và trẻ không còn mấy nỗ lực trong những lần tiếp theo. Trẻ bị phụ thuộc vào lời khen, nếu không được khen nữa sẽ đâm ra chán nản, tự ti, thậm chí sẽ không chịu làm việc, học tập nếu không được khen nữa.
Chính vì vậy, cha mẹ hãy cân nhắc lời khen, phần thưởng dành cho trẻ vì những nỗ lực thực sự của bé và những việc làm cụ thể mà trẻ đã làm tốt chứ không nên quá dễ dãi khen con và khen quá nhiều.
7. Bảo vệ con quá mức
Bảo vệ con cái luôn là bản năng của những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, nếu quá bao bọc con cái, cha mẹ đã vô tình gửi đi 1 thông điệp cho con rằng con không thể tự mình làm được bất cứ việc gì mà không có sự che chở, hỗ trợ từ cha mẹ.
Để giúp con tự tin hơn, trưởng thành hơn, cha mẹ hãy dạy con tự đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, tìm tòi, học hỏi để tìm ra cách giải quyết sự việc thay vì phải phụ thuộc vào cha mẹ.