TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Đó là một số vi phạm nổi bật của mạng xã hội TikTok theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.
TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Đó là một số vi phạm nổi bật của mạng xã hội TikTok theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.
Trẻ em xem TikTok - Ảnh: MAI PHI
TikTok đã vi phạm các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo quy định hiện hành khi vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.
Ông Lê Quang Tự Do (cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông)
Không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em...
Không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi
Chính vì vậy, trong số các biện pháp mà đoàn kiểm tra liên ngành và Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu TikTok phải triển khai ngay các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, phải thực hiện "xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi" - thay mặt cho đoàn kiểm tra liên ngành, ông Lê Quang Tự Do (cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) nêu rõ.
"Đồng thời, giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok".
Từ kết quả kiểm tra liên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "TikTok phải bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, khi đăng lên cần có sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ em hoặc video cần phải che mặt, làm mờ hình ảnh trẻ em trước khi đăng lên.
Cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi".
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng yêu cầu TikTok nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.
Gây hại cho trẻ em
Trong số các biện pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông buộc TikTok phải thực hiện để khắc phục các sai phạm mà đoàn kiểm tra liên ngành đã kết luận và công bố ngày 5-10, vấn đề an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên nền tảng xuyên biên giới này được đặc biệt nhấn mạnh.
Bởi trong đợt kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng của TikTok trong việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam liên quan đến trẻ em.
"Lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam ở các máy chủ CDN tại Việt Nam, cụ thể: thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em..." - đó là đánh giá chung của ông Lê Quang Tự Do khi công bố kết luận kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Theo đó, quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok bị đánh giá là "chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm".
Đặc biệt, cơ quan chức năng xác định TikTok đã "không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em".
Đồng thời nền tảng này cũng "không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em".
Phụ huynh hoang mang vì khó kiểm soát
Mặc dù mạng xã hội TikTok tại Việt Nam có quy định không cho trẻ em dưới 13 tuổi tham gia, nhưng ứng dụng này khéo léo chừa nhiều "khe hở" cho trẻ em "vượt rào" sử dụng. Rất nhiều phụ huynh thừa nhận khó có thể kiểm soát nội dung con trẻ xem trên TikTok...
Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định cấm trẻ dưới 13 tuổi của TikTok, chị Thanh Hiền (Hà Nội) cho biết đứa cháu học lớp 5 đã có tài khoản TikTok từ lâu.
"Tôi thấy nhiều bé mới chỉ học lớp 3 cũng đã biết đến các video TikTok, đến lớp 6 thì rất nhiều bé đã rành còn hơn cả người lớn rồi. Khi xem nhiều bé trình diễn các điệu nhảy hay chiêu trò kỳ lạ, hỏi chúng học từ đâu thì đều nhận được câu trả lời là trên TikTok", chị Hiền nói.
Mặc dù không cho con đang học lớp 5 sử dụng TikTok nhưng chị Minh Thư (quận 7, TP.HCM) cho biết: "Rất nhiều lần phát hiện các đường link video TikTok được các bạn bè của con chia sẻ cho nhau trong các nhóm chat Zalo".
Bấm vào các đường link này, trẻ em có thể xem nội dung video dễ dàng mà không cần phải cài ứng dụng TikTok.
"Mặc dù tôi thường xuyên kiểm tra các đường link này để xem nội dung như thế nào, nhưng rõ ràng là không thể nắm bắt hết 100% và kịp thời được. Đó là chưa kể trong các link video luôn có phần gợi ý cài TikTok để xem được nhiều hơn. Như vậy, chỉ cần phụ huynh lơ là thì bọn trẻ có thể cài app TikTok dễ dàng", chị Thư cho biết.
Tương tự, chị Phương Trang (TP Thủ Đức) cũng chưa cho hai con nhỏ đang học cấp I chơi TikTok nhưng "các bạn của con đã sử dụng khá nhiều, nên con có nhiều kênh khác để tiếp cận (bạn bè kể, xem qua YouTube...)".
Chị Trang cho biết mặc dù các nội dung video TikTok con chị đã xem chủ yếu là âm nhạc. Nhưng "việc bọn trẻ dễ dàng tiếp cận trong khi TikTok tồn tại quá nhiều nội dung tiêu cực khiến tôi rất lo cho các con mình trong tương lai, nhất là khi chúng đi học trên trường hoặc đi chơi với bạn mà không có sự theo dõi chặt chẽ của phụ huynh".
Còn theo anh Thanh Tùng (quận 4), nhiều đứa trẻ tầm 10 - 12 tuổi đã biết tận dụng "kẽ hở" trong việc kiểm soát tuổi của TikTok để đăng ký tài khoản dễ dàng.
"Biện pháp xác nhận người dùng trên 13 tuổi của TikTok đơn giản chỉ là người dùng tự xác nhận hoặc chọn theo ngày tháng năm sinh. Việc này quá đơn giản với nhiều đứa trẻ, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ.
Chúng có thể dễ dàng khai thành người trên 13 tuổi để tham gia TikTok. Nói chung quy định cấm người dùng dưới 13 tuổi của TikTok có cũng như không", anh Tùng nhận xét.
Quản lý cả mật khẩu lẫn tài khoản TikTok của con nhưng anh Gia Huy (quận 1) vẫn cho rằng: "Quá khó kiểm soát con xem gì trên đó". "
Nội dung các video trên TikTok trôi qua rất nhanh, trong khi mình không thể nào dán mắt liên tục vào màn hình để quản lý con xem gì. Nhiều lúc thấy con đang xem một nội dung gì đó rất chăm chú, mình đến kiểm tra thì con chỉ cần một cái vuốt tay là qua nội dung khác", anh Huy chia sẻ.
Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Cần tạo ra giải pháp lâu dài
Kết luận kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ nhiều sai phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung thông tin gây hại cho trẻ em.
Việc bộ đưa ra các yêu cầu nền tảng này phải xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi, giới hạn thời gian truy cập và sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok...
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay tham gia chơi TikTok - Ảnh: TỰ TRUNG
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay tham gia chơi TikTok - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là những giải pháp, rào cản kỹ thuật cần thiết trong lúc này để bảo vệ trẻ em trước các nguy hại mà nền tảng này có thể gây ra đối với trẻ em. Tuy nhiên, tất cả những rào cản này được đưa ra thực hiện phải đảm bảo không trái, không cản trở các quyền cần thiết của trẻ em.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên tính đến phương án cấm TikTok hay bất kể nền tảng mạng xã hội nào khác mà cần tạo ra giải pháp lâu dài. Bởi chúng ta sống trong một thế giới số, có kinh tế số, xã hội số thì phải có các công dân số.
Muốn có công dân số thì phải có những bước đào tạo cho các cháu nhỏ ngay từ khi còn ở lứa tuổi mẫu giáo, mầm non.
Trong đó, cần phải tạo ra "vắc xin số" cho trẻ em, người chưa thành niên và kể cả người dân nói chung. "Vắc xin" này sẽ không phải tiêm một lần, hai lần, ba lần mà cần có cả một quá trình tiếp thu, học hỏi từ kiến thức, nhận thức trở thành các kỹ năng, ứng xử trên môi trường mạng.
Nói cách khác là từ đó tạo đề kháng giúp chính các em biết tự bảo vệ, biết phân biệt đâu là xấu đâu là độc hại để tránh. Các bậc phụ huynh cũng cần phải xây dựng cho mình kỹ năng và đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho các con.
Ngoài ra, hiện nay với TikTok, không cần đăng ký tài khoản vẫn có thể xem các clip bình thường, nên tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp yêu cầu nền tảng này sửa đổi. Trong đó, bắt buộc phải đăng ký tài khoản mới có thể xem các clip và giới hạn thời gian truy cập...